Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Tứ Hải bôn ba truyện: Thần Y Hải Râu và Bằng Hữu

Bằng Hữu của Hải đông lắm. Đều là người tài trong thiên hạ. Có người khách lạ nghe tiếng Hải bèn lên kinh đô, tìm đến thăm tư gia. Hình dáng phong độ phi phàm nhưng ăn mặc giống tay bán dưa lê xe thồ, áo cháo lòng, quần vặn lò xo. Người này trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, khiến ai cũng phải đến ngó dung nhan. Hỏi xem ai thì đó là Nguyễn Khánh. Dòng dõi Nguyễn Khánh đời đời làm quan lại nhà Nguyễn, cụ của Khánh là nhà yêu nước, Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Hiền nhiều công lớn, được vua Thành Thái cấp cho thái ấp. Tên cụ nay được đặt tên cho một dãy phố ở kinh đô. Tuy vậy, Nguyễn Khánh chẳng muốn ôm lấy quá khứ nên bỏ nhà ngao du thiên hạ. Hải nói chuyện với người ấy thấy hợp. Từ đó hai người thành tri kỉ hay ngao du khắp Bắc Trung Bộ.

Hình dung Khánh cổ quái. Trán cao, răng chìa, ăn đu đủ không cần thìa nên giang hồ tôn vinh là Khánh Chìa. Khánh rất tự hào về dung mạo của mình. Quái nhân thì phải đi với dị tướng. Nhưng thú vui này biến mất khi Khánh lấy vợ khi đã xế tứ tuần. Trước khi lấy vợ, Khánh đầu tư 200 nghìn thuê nha sĩ trồng hẳn hàm răng mới đẹp như ngô non. Chỉ để chụp ảnh cưới mà thôi.
Nguyễn Khánh trí tuệ siêu phàm, học một biết mười. Thi đại học đã khó, nhưng đã thi là đỗ. Đã thế, cứ liên tiếp đỗ 3 trường. Có điều Khánh học dở dang rồi bỏ cả ba vì thấy chất lượng thầy kém quá. Các thầy của trường toàn kéo đến hỏi Khánh về kiến thức. Khánh không giấu. Bao nhiêu kiến thức đều đêm dạy các thầy cả.
Trên giảng đường, Khánh chỉ ngồi vẽ bậy và nghĩ ngợi. Có lần đang giảng về thơ, thầy muốn nói về khả năng ứng tác nhanh chóng của một nhà thơ hàng đầu Việt Nam. Ông có thể ngắm con chó mà sinh tình nảy thi hứng được. Khánh bực mình bảo thơ thế này thì ai chả làm được. Thầy thách. Khánh bảo: Em làm ngay, thầy mất gì em mới làm. Thầy bảo: Cậu mà ứng tác được tớ bái cậu làm sư phụ.
Thầy chỉ con ruồi trên kính bảo: Cậu làm thơ về con ruồi xem nào!
Khánh đi lững thững dăm bước rồi đọc:

Ơ kìa có một con ruồi...
Bay vào lọ mực đầu đuôi dính đầy
Trong tay sẵn có cành cây
Thò vào ngoáy phát, đưa ngay ra ngoài

Cả lớp vỗ tay rầm rầm.

Thầy giáo sầm mặt bảo: Còn gì nữa không?
Khánh bảo: Thích đến đâu, đọc đến đấy. Nếu thầy đủ sức nghe, em đọc đến đêm luôn. Rồi Khánh ngửa mặt nhìn quạt trần, ngâm nga:

Con ruồi bé thế mà tài
Năm đấy một tý lại nhoai lên bàn
Trong tay sẵn chiếc gạt tàn
Cha đập một phát xuống bàn con ơi
Thương thay số phận con ruồi
Bị đập một phát đầu đuôi chẳng còn.

Thầy bảo: Thôi, không phải đọc nữa!
Khánh bảo: Em xin đọc tiếp!
Thầy gạt đi: Cậu là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Chỉ một con ruồi mà khái quát như số phận con người vậy. Rất than khóc, rất nhân văn.  Sao cậu chưa vào Hội Nhà văn?
Khánh cười lớn bỏ đi.
Từ đấy, các thầy không dám xem thường học sinh nữa. Giảng bài có trách nhiệm hơn.

Có thời Khánh cũng đi khai thác vàng. Khánh không nỗ lực đào bới mà mua lại đất đã lọc hết vàng cám để dùng điện phân mà lấy vàng. Khánh có thế mạnh là rất giỏi về hóa thuật. Với mỗi một mẫu đất, Khánh có thể nghĩ ra 20 cách lấy vàng khác nhau. Khánh lấy vàng dễ như mở vòi nước máy. Dân khai thác kinh sợ bái Khánh làm sư phụ. Vài thầy cũ Khánh cũng bỏ trường đi khai thác vàng. Khi nào bí quá lại gói mẫu đất vượt hàng trăm cây số tìm Khánh Khánh để xin phương cách điện phân lấy vàng. Đi đến đâu, Khánh cũng được chào đón như đón nguyên thủ.
Tuy vậy, Khánh cũng không say đắm vàng. Châu báu trong gầm trời này cũng là phù du như ong bướm cả. Trong quãng đời ngao du, Khánh kinh ngạc trước các bài thuốc nam chữa bệnh dân gian. Thế là Khánh tìm các cuốn sánh nổi tiếng của Tuệ Tĩnh, Hải thượng Lãn Ông và học thuyết âm dương – ngũ hành về nghiền ngẫm. Khánh hơn người ở cách đọc sách.
Có 3 cách đọc sách:
Cách thứ nhất: Không hiểu sách nói gì
Cách thứ hai: Hiểu hết sách nói gì
Cách thứ ba: Hiểu hết những điều sách không viết.

Khánh dành 1 tháng đọc thuyết âm dương ngũ hành, Kinh dịch, và các pho sách cổ quan trọng. Đọc xong cho sách luôn. Hỏi sao không giữ lại đọc tiếp? Khánh bảo đọc một lần nhập tâm nhớ cả. Giữ sách thì khác nào chôn kiến thức. Kiến thức vốn là của thiên hạ, phải trả về cho thiên hạ. Sau Khánh thường dậy các môn này ứng dụng trong y thuật và được giới đông y sợ hãi.
Cũng vì thế mà Khánh và Hải tâm đầu ý hợp. Gặp gỡ như rồng gặp mây. Hai người nói chuyện thuốc thang, kinh mạch, huyệt đạo, thâu đêm suốt sáng không biết chán.

Khánh và Hải đã chữa cho một số bệnh nhân trong tình trạng bệnh viện giả về, gia đình lo tang lễ, bỗng sống lại khỏe re. Bệnh nhân về chữa thầy Hải từ những vùng rất xa khắp Bắc và Trung bộ. Bệnh thì nhiều, đặc biệt nặng là các bệnh về phủ, tạng, ung bướu, khi gặp thuốc của thầy đều chuyển mà khỏi. Sau Hải nghiên cứu sâu về thuật châm cứu thì tác dụng trị bệnh thêm phần thần diệu, một số bệnh chuyển trông thấy sau lần châm đầu tiên. Những bệnh lạ ít người để tâm như bệnh phụ nữ, sinh lý đàn ông nếu gặp tay thầy thì cũng phục hồi nhanh cứ phần phật như cờ gặp gió.Nghe tiếng lương y Trịnh Hải có tài lạ, nhiều người đã tìm đến cầu may. Cũng có người bán tín bán nghi. 
Một buổi tối có tiếng xôn xao ngoài ngõ. Cho gọi vào thì ra có vị quan bụng to trán hói vào nói rằng: Nếu thầy cam đoan chữa được bệnh liệt dương thì sẽ kính thầy vàng trăm lạng. 
Trịnh Hải bảo: Chớ thách đố trò trẻ con. Bác không tin thì bệnh khó chuyển. Không thể dùng vàng mà hết bệnh.
Muốn biết bệnh liệt dương có chữa được không. Xem hồi sau sẽ rõ.
(Còn tiếp)
Nguyễn Lê Tâm 21 - 2 - 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét